Bổ sung thực phẩm quen thuộc giúp tăng miễn dịch tự nhiên

Chúng ta có thể tăng miễn dịch tự nhiên cho cơ thể bằng cách bổ sung một số thực phẩm quen thuộc có sẵn trong nhà vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Thời tiết chuyển mùa nóng lạnh thất thường làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Hiện nay, nhiều dịch bệnh đang bùng phát như: đau mắt đỏ, cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Để khỏe mạnh, có khả năng chống lại những dịch bệnh này, chúng ta cần tăng khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức khỏe và có thể giúp duy trì một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ. Bạn nên kết hợp các loại thực phẩm dưới đây vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Trái cây có múi bổ sung vitamin C giúp tăng cường miễn dịch. Ảnh minh họa.

Trái cây có múi bổ sung vitamin C giúp tăng cường miễn dịch. Ảnh minh họa.

Trái cây có múi chứa nhiều vitamin C

Trái cây có múi rất giàu vitamin C. Vitamin C được cho là làm tăng sản xuất các tế bào bạch cầu, tăng miễn dịch, là chìa khóa để chống lại nhiễm trùng. Hầu như tất cả các loại trái cây họ cam quýt (bưởi, cam, quýt, chanh…) đều chứa nhiều vitamin C. Do cơ thể không sản xuất hoặc lưu trữ vitamin C, nhưng lại cần vitamin C hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh. Vì vậy, bổ sung các trái cây có múi  này để cung cấp đủ lượng vitamin C cho cơ thể.

Các loại quả mọng

Quả mọng có hàm lượng vitamin C cao tự nhiên và các chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Các loại quả bạn nên ăn gồm việt quất, mâm xôi, câu kỷ tử, dâu tây, nam việt quất, nho, quả cơm cháy...

Đu đủ

Đu đủ là một loại trái cây chứa nhiều vitamin C. Đu đủ cũng có một loại enzym tiêu hóa gọi là papain có tác dụng chống viêm. Ngoài ra, đu đủ còn có một lượng lớn kali, magiê và folate… có lợi cho sức khỏe tổng thể.

Kiwi

Kiwi tự nhiên chứa rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm folate, kali, vitamin K và vitamin C. Các chất dinh dưỡng này giúp cho hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường.

Ớt chuông đỏ

Ớt chuông đỏ cũng là loại thực phẩm giàu vitamin C, thậm chí còn nhiều hơn cả các loại trái cây có múi. Chúng cũng là một nguồn cung cấp beta-caroten phong phú. Bên cạnh việc tăng cường hệ thống miễn dịch, vitamin C có thể giúp duy trì làn da khỏe mạnh. Beta carotene sẽ được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A, giúp giữ cho đôi mắt sáng và tốt cho làn da.

Bông cải xanh là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể để xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ảnh minh họa.

Bông cải xanh là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể để xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ảnh minh họa.

Bông cải xanh

Bông cải xanh là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể để xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh. Đó là nguồn cung cấp nhiều vitamin A, C và E, cũng như chất xơ và nhiều chất chống ô xy hóa khác. Khi chế biến bông cải xanh, cần giữ được nhiều nhất nguồn vitamin và khoáng chất này. Hấp là cách tốt nhất để giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn trong thực phẩm.

Cải bó xôi

Cải bó xôi (hay rau bina) không chỉ giàu vitamin C mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và beta carotene. Các chất này đều có thể làm tăng khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Tương tự như bông cải xanh, cải bó xôi tốt nhất khi nấu càng ít càng tốt để giữ lại chất dinh dưỡng có trong rau.

Nấm

Nấm là một nguồn vitamin D dồi dào, thực phẩm tăng cường miễn dịch. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện ra phản ứng miễn dịch được cải thiện ở những bệnh nhân ung thư đang được hóa trị và xạ trị sau khi ăn nấm.

Khoai lang

Đây là một món ăn được yêu thích vào mùa thu, đông vì có nhiều vitamin A và C. Khoai lang là thực phẩm hữu hiệu để tiêu diệt vi khuẩn và virus.

Tỏi

Tỏi tăng cường chức năng miễn dịch nhờ alliin - chất có liên quan đến việc hỗ trợ phản ứng của các tế bào bạch cầu chống lại virus cúm hoặc cơn cảm lạnh. Khi có thể, hãy tiêu thụ tỏi tươi thay vì dựa vào viên nang/chất bổ sung tỏi.

Quế

Quế chứa tinh dầu có thể giúp con người nhanh vượt qua cảm lạnh hoặc cúm.

Gừng

Có thể giúp các tế bào miễn dịch giành chiến thắng chống lại cảm lạnh và cúm. Gừng chứa vitamin C, magie và kali giúp giảm viêm, giảm buồn nôn, chống oxy hóa bên cạnh việc tăng thêm hương vị cho món ăn. Có thể thêm gừng tươi vào công thức món xào hoặc dùng làm nước sốt salad.

Nghệ

Nghệ xuất hiện dưới dạng củ tươi hoặc bột màu vàng sáng, thường được sử dụng trong các món cà ri châu Á. Nghệ có tác dụng chống virus, do hàm lượng chất curcumin trong gia vị này giúp giảm viêm, chống lại các gốc tự do.

Trà xanh

Cả trà xanh và trà đen đều chứa nhiều flavonoid, đáng chú ý là epigallocatechin gallate (EGCG), một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. EGCG đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch. Trà xanh nhiều EGCG hơn trà đen do quá trình lên men của trà đen sẽ phá hủy rất nhiều EGCG. Trà xanh cũng là một nguồn cung cấp axit amin L-theanine tốt. L-theanine có thể hỗ trợ sản xuất các hợp chất chống vi trùng trong tế bào T của cơ thể.

Sữa chua cung cấp lợi khuẩn, làm tăng cường hệ thống miễn dịch. Ảnh minh họa.

Sữa chua cung cấp lợi khuẩn, làm tăng cường hệ thống miễn dịch. Ảnh minh họa.

Sữa chua

Sữa chua cung cấp lợi khuẩn, làm tăng cường hệ thống miễn dịch giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Sữa chua cũng là một nguồn cung cấp vitamin D phong phú. Vitamin D giúp điều chỉnh hệ thống miễn dịch và được cho là tăng cường khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể trước tác nhân gây hại. Ăn sữa chua không đường sẽ tốt hơn loại có hương vị và chứa nhiều đường. Bạn có thể tự làm ngọt sữa chua bằng các loại trái cây tốt cho sức khỏe và một chút mật ong.

Mật ong

Mật ong đã được sử dụng như một loại thuốc kháng sinh tự nhiên. Thêm mật ong vào trà hoặc làm lớp phủ trên bánh kếp, bánh quế nguyên hạt để tăng cường khả năng miễn dịch.

Hạnh nhân

Hạnh nhân chứa vitamin E, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Chỉ cần ăn một khẩu phần nửa cốc (hoặc khoảng 40 quả hạnh nhân) cung cấp cho bạn lượng vitamin E được khuyến nghị hàng ngày. Nhai hạnh nhân cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

Hạt hướng dương

Giống như hạnh nhân, hạt hướng dương cũng là nguồn cung cấp vitamin E dồi dào, có tác dụng chống nhiễm trùng. Bên cạnh đó, hạt hướng dương còn chứa vitamin selen, kích hoạt hệ thống miễn dịch khi có mầm bệnh xâm nhập, báo cho hệ thống miễn dịch biết khi nào nên hoạt động chậm lại, bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng viêm mãn tính.

Cá chứa nhiều chất béo omega-3, giữ cho hệ thống miễn dịch ở trạng thái tốt. Ảnh minh họa.

Cá chứa nhiều chất béo omega-3, giữ cho hệ thống miễn dịch ở trạng thái tốt. Ảnh minh họa.

Cá chứa nhiều chất béo omega-3, giữ cho hệ thống miễn dịch ở trạng thái tốt. Một số gợi ý cho bạn là cá trích, cá thu, cá hồi, cá mòi. Tuy nhiên, một số loại cá có chứa thủy ngân, các chất gây ô nhiễm khác có thể gây hại cho thai nhi hoặc trẻ em. Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, cha mẹ có con nhỏ cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc ăn cá.

Thịt gia cầm

Thịt gia cầm, ví dụ như thịt gà và gà tây có nhiều vitamin B6. Vitamin B6 đóng vai trò quan trọng trong nhiều phản ứng hóa học xảy ra trong cơ thể. Nó cũng rất quan trọng đối với sự hình thành của các tế bào hồng cầu mới và khỏe mạnh. Nước cốt gà hoặc nước hầm xương gà có chứa gelatin, chondroitin và các chất dinh dưỡng khác giúp chữa lành đường ruột và miễn dịch.

Động vật có vỏ

Động vật có vỏ như hàu chứa rất nhiều kẽm. Kẽm không được chú ý nhiều như các loại vitamin và khoáng chất khác, nhưng cơ thể chúng ta cần nó để các tế bào miễn dịch hoạt động tốt. Các loại động vật có vỏ chứa nhiều kẽm bao gồm: hàu, cua, tôm, trai.