Cơ hội mới đưa hàng nông, thủy sản ĐBSCL vào thị trường Trung Quốc

ĐBSCL Thông qua Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt - Trung lần thứ 15 năm 2023, doanh nghiệp tìm cơ hội đưa hàng nông, thủy sản vào thị trường Trung Quốc.

Từ ngày 30/11 - 4/12, Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt - Trung lần thứ 15 năm 2023 sẽ được tổ chức tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đây là sự kiện thương mại quốc tế lớn nhất vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thuộc chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023.

Ngày 2/11, lãnh đạo TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và TP Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã có mặt tại TP Cần Thơ để chiêu thương, mời gọi các doanh nghiệp ĐBSCL cùng góp mặt trong sự kiện này.

Cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) với nhiều ưu thế liên thông quốc tế đường bộ và đường biển, tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường ở vùng biên giới. Ảnh: Kim Anh.

Cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) với nhiều ưu thế liên thông quốc tế đường bộ và đường biển, tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường ở vùng biên giới. Ảnh: Kim Anh.

Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt - Trung lần thứ 15 năm 2023 dự kiến được tổ chức với quy mô 400 gian hàng, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, sản phẩm OCOP, đặc sản. Đặc biệt là các sản phẩm nông, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của các địa phương trên cả nước.

Theo ban tổ chức sự kiện, các mặt hàng tham gia quảng bá phải đảm bảo tính đặc trưng, đa dạng, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ hội thiết thực cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế chuyển giao công nghệ. Đồng thời xúc tiến các dự án đầu tư, dịch vụ xuất nhập khẩu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là những nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn kinh tế lớn.

Ông Võ Quốc Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Chất lượng vùng 6, Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) đánh giá, TP Đông Hưng được mệnh danh là tiểu hương cảng của khu tự trị Quảng Tây. Đặc biệt, thành phố này có cầu Bắc Luân nối liền với TP Móng Cái, một trong những cửa khẩu đường bộ quan trọng, mậu dịch thương mại giữa Việt Nam với thị trường Trung Quốc.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, ông Văn cho rằng sự kiện sẽ là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp vùng ĐBSCL phát triển sản xuất kinh doanh.

Với vai trò là đơn vị thực thi pháp luật trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản, ông Văn cam kết sẽ đồng hành cùng với các địa phương, doanh nghiệp trên tiến trình tìm kiếm đối tác, kết nối giao thương.

Là địa phương tổ chức sự kiện, ông Hồ Quang Huy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái bày tỏ, sự kiện sẽ tạo không gian để doanh nghiệp Việt Nam khẳng định thương hiệu với đối tác quốc tế. Thời gian qua, địa phương này đã tổ chức nhiều chương trình kết nối, tiêu thụ nông, thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL vào thị trường Quảng Ninh và Trung Quốc.

TP Cần Thơ với vai trò là “thủ phủ” của ĐBSCL, cửa ngỏ mậu dịch quan trọng của vùng. Đây sẽ là thị trường giàu tiềm năng, mở ra cơ hội hợp tác thương mại trong tương lai rất lớn với thị trường Trung Quốc.

Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt - Trung lần thứ 15 năm 2023 tạo cơ hội cho các sản phẩm nông, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của ĐBSCL khẳng định thương hiệu với đối tác quốc tế. Ảnh: Kim Anh.

Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt - Trung lần thứ 15 năm 2023 tạo cơ hội cho các sản phẩm nông, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của ĐBSCL khẳng định thương hiệu với đối tác quốc tế. Ảnh: Kim Anh.

Phó Bí thư Thành ủy, Thị trưởng Chính quyền nhân dân TP Đông Hưng, ông Lí Kiện nhấn mạnh, cửa khẩu Đông Hưng đang tạo nên một tổng thể phát triển “một cửa khẩu, nhiều lối đi” với nhiều ưu thế liên thông cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển. Cửa khẩu này có năng lực tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường ở vùng biên giới, đứng nhóm đầu trong các cửa khẩu biên giới của Trung Quốc.

Ông Kiện cho biết, hiện địa phương này đang tập trung xây dựng khu nông nghiệp hiện đại hóa cấp quốc gia kiểu mẫu và mong muốn hợp tác với các địa phương ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung để tạo lợi ích cho công nghiệp hóa nông nghiệp xuyên biên giới.

“Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang mở rộng nhập khẩu các mặt hàng đặc sản có tiềm năng từ các nước ASEAN. TP Đông Hưng sẽ là đầu mối lớn nhất đưa các mặt hàng như: Các loại hạt, hải sản, hoa quả tươi từ Việt Nam vào Trung Quốc. Do đó, chính quyền TP Đông Hưng đang tập trung thúc đẩy thương hiệu hóa, công nghiệp hóa sản phẩm nông nghiệp”, ông Lí Kiện cho hay.

Ông Lí Kiện, Phó Bí thư Thành ủy, Thị trưởng Chính quyền nhân dân TP Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) bày tỏ mong muốn hợp tác với các địa phương ĐBSCL, thông qua Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt - Trung. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lí Kiện, Phó Bí thư Thành ủy, Thị trưởng Chính quyền nhân dân TP Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) bày tỏ mong muốn hợp tác với các địa phương ĐBSCL, thông qua Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt - Trung. Ảnh: Kim Anh.

Đối với mảng gia công biên mậu, địa phương này cũng chú trọng xây dựng các khu thí điểm thu hút các dự án gia công thực phẩm. Việc tăng cường công nghiệp hóa nông nghiệp xuyên biên giới sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản từ ASEAN - Trung Quốc gia tăng.

Thông tin từ chính quyền TP Đông Hưng đưa ra, 3 quý đầu năm 2023, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Đông Hưng đạt 1,35 triệu tấn, trong đó hàng nông sản đạt 400 nghìn tấn, thủy hải sản đạt 220 nghìn tấn.

Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt – Trung lần thứ 15 năm 2023 là sự kiện đối ngoại nhân kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Trung.

Khuôn khổ chương trình bao gồm một số hoạt động nổi bật như: Diễn đàn kết nối xuất khẩu nông, lâm, thủy sản qua cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng; Diễn đàn thúc đẩy hoạt động du lịch biên giới; Giải chạy giao lưu hữu nghị quốc tế.

theo Báo Nông Nghiệp