Dấu mốc 5 năm và hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm:

Dấu mốc 5 năm và hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP

NDO - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) chính thức triển khai tại Việt Nam từ năm 2018. Đến nay, sau chặng đường hơn 5 năm triển khai, cả nước đã có hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương.
Dấu mốc 5 năm và hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP ảnh 1

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tại Việt Nam có tên tiếng Anh là One Commune One Product (gọi tắt là Chương trình OCOP). Đây là chương trình trọng điểm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương...); là giải pháp, nhiệm vụ trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai Chương trình OCOP lần đầu tiên trên toàn quốc.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

Dấu mốc 5 năm và hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP ảnh 2

Chương trình OCOP hướng tới tinh thần chủ động sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thống, đặc biệt ở vùng miền núi đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn.

Từ đó, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, ưu tiên củng cố, kiện toàn và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn.

Dấu mốc 5 năm và hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP ảnh 3

Trà hoa vàng Quy Hoa (Quảng Ninh) và mật hoa dừa Sokfarm (Trà Vinh) là hai sản phẩm đã được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, Chương trình OCOP phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành các cấp, đặc biệt là cấp xã trong việc triển khai thực hiện. Trong đó, nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện, định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, tạo các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hóa, phát triển dịch vụ; tăng cường quản lý và giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; hỗ trợ: tín dụng, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP.

Trong giai đoạn 2018-2020, sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng, truyền thống gắn với cộng đồng địa phương thuộc 6 nhóm sản phẩm gồm thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm-nội thất-trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

Dấu mốc 5 năm và hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP ảnh 4

Là một quốc gia có hơn 80% dân số sống ở vùng nông thôn nên việc phát triển Chương trình OCOP ở Việt Nam có tác động rất lớn đến việc cải thiện thu nhập của người dân. Chính phủ rất quan tâm tới công cuộc phát triển ngành nghề nông thôn nói chung và các sản phẩm vùng miền nói riêng, coi đây là yếu tố quan trọng để phát triển đất nước.

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” đã được triển khai ở Việt Nam từ đầu những năm 1990 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, phong trào chưa đạt được nhiều kết quả, chỉ một số sản phẩm bứt phá tạo nên thương hiệu trên thị trường như: Bánh tráng Cù Lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) hay sản phẩm từ bài thuốc tắm của người Dao Đỏ của xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhưng chỉ xuất hiện manh mún, chưa có sự kết nối.

Người nông dân chưa hiểu rõ về nhu cầu cũng như cách thức vận hành của thị trường, chưa tạo dựng được sản phẩm chất lượng tốt, thậm chí chưa nhận thức được những thế mạnh của địa phương mình. Trong nội bộ mỗi làng, xã, do tập quán giữ bí quyết làng nghề còn nặng nề nên chưa có sự chia sẻ giữa các gia đình về kỹ thuật sản xuất.

Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án về Chương trình “Phát triển mỗi làng một nghề giai đoạn 2006-2015”, gắn liền với triển khai Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Trong đó, mỗi làng sẽ tự chọn và hình thành phát triển một nghề có nhiều hộ và doanh nghiệp tham gia. Mỗi xã quyết định phát triển một làng nghề có sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành các chính sách như Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 về việc phát triển ngành, nghề nông thôn, sau đó được thay thế bằng Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 với mục tiêu hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy các thế mạnh nông sản ở địa phương.

Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thí điểm mô hình “Mỗi làng một nghề” ở một số tỉnh như: Điện Biên, Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thừa Thiên Huế, An Giang và đạt được một số kết quả khả quan.

Trải qua quá trình phát triển thực tiễn và đúc kết từ các bài học kinh nghiệm của một số địa phương trong cả nước, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong triển khai Chương trình OCOP trên phạm vi cả nước.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 hướng tới 3 nội dung chính.

Thứ nhất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Thứ hai, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Thứ ba, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Dấu mốc 5 năm và hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP ảnh 5

Sau gần 3 năm triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành đề án/kế hoạch Chương trình OCOP cấp tỉnh. Đã có hơn 2.961 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình với 6.210 sản phẩm. 29.138 lượt cán bộ quản lý cấp xã, huyện và tỉnh, 38.704 lượt chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được đào tạo tập huấn nâng cao năng lực về phát triển sản phẩm OCOP…

Trong giai đoạn 2018-2020, có 4.469 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu). Trong đó, 62,2% sản phẩm đạt 3 sao, 36,2% sản phẩm đạt 4 sao và 1,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hội đồng OCOP quốc gia đã lựa chọn được 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc gia. Hơn 2.439 chủ thể tham gia có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó: 38,3% là hợp tác xã, 27,5% là doanh nghiệp, 31,5% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác.

Nhìn nhận một cách tổng quan, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn với hơn 3 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã trở thành chính sách trọng tâm, có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở cả nước. Hoạt động này đã giúp các địa phương khai thác được thế mạnh và lợi thế gắn với đơn vị làng, xã để phát triển các sản phẩm đặc sản, sản vật, dịch vụ du lịch ở mỗi miền quê Việt Nam.

Sản phẩm OCOP được các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, phân hạng và công nhận đạt 3, 4 và 5 sao theo Bộ tiêu chí quốc gia trên nhiều khía cạnh: chất lượng, an toàn thực phẩm, giá trị cộng đồng, năng lực sản xuất và thương mại của chủ thể. Đồng thời, sản phẩm OCOP là sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương, mở ra tiềm năng cho phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá giá trị văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương.

Tiếp nối những thành công bước đầu của Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025.

Trong giai đoạn mới, Chương trình OCOP tiếp tục là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 cũng đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể. Trong đó, đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 10 nghìn sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.


8 mục tiêu cụ thể của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025:


1. Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 10 nghìn sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

2. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

3. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

4. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

5. Có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.

6. Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 20% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

7. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

8. Diễn đàn hợp tác quốc tế mỗi làng/xã một sản phẩm được tổ chức ít nhất 1 lần/năm nhằm nâng cao và khẳng định thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Dấu mốc 5 năm và hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP ảnh 6

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tính đến đầu tháng 12/2023, cả nước đã có hơn 10.800 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của khoảng 5.600 chủ thể OCOP.

Trong số này, có 37,9% là hợp tác xã, 24% là doanh nghiệp, 35,2% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương.

Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn. Sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường về tiêu dùng các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương.

Dấu mốc 5 năm và hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP ảnh 7

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương. Sản phẩm OCOP đang mở ra tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá giá trị văn hóa, du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương.

Sản phẩm OCOP 5 sao (cấp quốc gia) là những sản phẩm tiêu biểu của các địa phương, được Hội đồng OCOP cấp quốc gia đánh giá và công nhận.

Mỗi sản phẩm OCOP quốc gia không chỉ là mang trên mình vai trò như một “đại sứ” của từng vùng, miền mà còn là đại diện chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn của Việt Nam. Đồng thời, mang trên mình sứ mệnh kết nối, chia sẻ về giá trị văn hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.

Dấu mốc 5 năm và hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP ảnh 8

Như trong câu chuyện của trà xanh Phìn Hồ (Fìn Hò trà), sản phẩm đã được công nhận OCOP 5 sao quốc gia. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) là vùng đất chỉ có rừng nguyên sinh và mây mù quanh năm che phủ... Không khí lạnh quanh năm nên nơi đây cũng chỉ có người Dao Đỏ sinh sống.

Một ngày nọ, người già trong làng đã bất ngờ phát hiện một hồ nước trên đỉnh núi cao nhất của làng, và thật ngạc nhiên là mặc dù không có nguồn nước nào chảy vào nhưng hồ nước quanh năm chẳng bao giờ vơi… Người Phìn Hồ gọi đây là hồ nước tiên vì theo họ, chỉ có thần tiên mới có thể cấp nước cho hồ nước này quanh năm. Quanh hồ nước tiên đó có rất nhiều loài cây thân gỗ mọc tự nhiên, một loại cây gỗ to cả một người ôm không hết, thân cao, lá dài, màu xanh đậm, phiến lá có răng cưa, nở hoa màu trắng, thơm.

Cho rằng đây là một loại cây thuốc chữa bệnh quý, người Dao Đỏ đã hái lá mang làm thuốc tắm, giã nhỏ chữa vết thương thấy khỏi nhanh, hãm nước uống thử thấy rất ngon và có vị chát và ngọt hậu. Từ đó, người Dao Đỏ mới gọi loài cây quý này là cây chè Shan tuyết và đã lấy hạt trồng thêm khắp vùng để có được bạt ngàn rừng chè Shan tuyết cổ thụ Phìn Hồ.

Dấu mốc 5 năm và hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP ảnh 9
Chè Phìn Hồ, sản phẩm OCOP 5 sao, đến nay đã được người uống trà nhiều nơi trên thế giới đều biết đến, gắn với nét văn hóa của người Dao Đỏ và địa danh Phìn Hồ của tỉnh Hà Giang.

Từ chế biến theo cách thủ công của người Dao Đỏ như: sao chè bằng chảo gang, sấy chè trên gác bếp, phơi chè khô bằng nắng, đựng chè bằng bao tải gai, chở chè đi bán bằng con ngựa…, trải qua nhiều thế kỷ, đồng bào đã biết sản xuất chế biến chè từ thủ công sang công nghệ máy móc hiện đại và tổ chức thành lập Hợp tác xã sản xuất chế biến chè theo thị hiếu khách hàng, xây dựng thương hiệu, hình ảnh con người gắn với sản phẩm tiêu thụ trong và ngoài nước.

Dần dần, cái tên chè Phìn Hồ (Fìn Hò trà) dựa trên truyền thuyết kỳ lạ về "hồ nước" trên đỉnh núi cao quanh năm nước đầy với những cây chè mọc quanh đến nay đã được người uống trà nhiều nơi trên thế giới đều biết đến, gắn với nét văn hóa của người Dao Đỏ và địa danh Phìn Hồ.

Cây chè là một phần cuộc sống của những hộ gia đình người Dao. Người Dao tin rằng cây chè là loại dược liệu tự nhiên quý khi mà uống trà không chỉ mang lại cảm giác sảng khoái, tinh thần minh mẫn mà còn có thể khử độc, thanh lọc cơ thể, chống lão hóa và phòng ngừa một số bệnh về tim mạch, viêm khớp, giảm nguy cơ ung thư.

Trà xanh Shan tuyết Phìn Hồ là sản phẩm được chế biến dựa trên kinh nghiệm lựa chọn nguyên liệu chè truyền thống được đúc kết từ hàng nghìn năm nay. Trà xanh được chế biến từ những búp chè 1 tôm 2 lá non của cây chè Shan tuyết cổ thụ, chè được chế biến ngay sau khi hái để giữ được những vị ngon nhất của chè. Trà xanh có vị đắng và chát nhẹ nhưng hậu vị lại ngọt dịu, hương trà xanh mang đậm hương thơm của chè. Trà xanh được người Việt Nam và các nước châu Á rất ưa chuộng, được chứng nhận sản phẩm hữu cơ từ năm 2015.

Hay tại Quảng Ninh, năm 2020, 3 bộ ngọc trai Akoya, ngọc trai Tahiti và ngọc trai Southsea của Công ty cổ phần Ngọc trai Hạ Long đã được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đây cũng là 3 trong 20 sản phẩm đầu tiên của cả nước được công nhận OCOP 5 sao. Đồng thời, sản phẩm còn đạt chất lượng quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản - quốc gia có những tiêu chí khắt khe về chất lượng ngọc trai.

Ngọc trai Hạ Long là ngọc trai nước mặn, nên có ưu điểm vượt trội và khác biệt hẳn so với ngọc trai nước ngọt. Ở điều kiện lý tưởng, nếu như ngọc trai nước biển có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm, thì ngọc trai nước ngọt có độ bền chỉ từ 20 đến 30 năm. Ngọc trai nước biển có màu sắc tự nhiên, được tạo nên bởi hàng triệu tế bào sống từ con trai nên bản thân mỗi viên ngọc ngoài màu chính của nó (đen, vàng, trắng) còn hội tụ đủ ngũ sắc dưới mỗi góc ánh sáng khúc xạ khác nhau.

Dấu mốc 5 năm và hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP ảnh 10
Ngọc trai Hạ Long. (Ảnh: Thành Đạt)

Chị Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Công ty cổ phần Ngọc trai Hạ Long, chia sẻ: “Ngọc trai thì nhiều nước, nhiều nơi đã có, nhưng ngọc trai được sinh ra trong lòng di sản thì chỉ có ở Quảng Ninh”.

Ngọc trai Hạ Long có thể gọi là những viên ngọc "di sản”, là sản vật được thiên nhiên ban tặng. “Bí quyết” của ngọc trai Hạ Long chính là ở kỹ thuật nuôi cấy. Kế thừa và áp dụng kỹ thuật tiên tiến từ các chuyên gia Nhật Bản, Công ty Ngọc trai Hạ Long đã nghiên cứu, xây dựng thành công quy trình sinh sản nhân tạo, thu thập và lai tạo các loài trai quý hiếm, có độ bọc ngọc nhanh, màu sắc đẹp, để cho ra thị trường những sản phẩm ngọc trai chất lượng cao, khác biệt.

Chính bởi vậy, ngọc “di sản” được giới chuyên môn đánh giá có độ thuần khiết cao, độ bọc của lớp xà cừ dày, nhiều màu sắc tự nhiên sang trọng, quyến rũ. Chất lượng và vẻ đẹp của ngọc trai Hạ Long thực sự đã chinh phục được du khách trong và ngoài nước.

Theo Báo Nhân Dân

Dấu mốc 5 năm và hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP ảnh 11